Hoạt động phòng máy của bé ở trường Mầm Non Hoa Sen
Thế giới hôm nay đang chứng kiến biết bao điều kì diệu do con người tạo ra. Một trong những thành tựu ấy là sự góp mặt của công nghệ thông tin (CNTT), và có lẽ chính vì vậy mà trong nhiều năm gần đây việc ứng dụng CNTT vào dạy – học đã và đang trở thành một xu thế phát triển mạnh mẽ ở các trường học, các cấp học.
Và trong thời đại công nghệ thông tin đang bùng nổ và phát triển mạnh mẽ, việc cho trẻ bước đầu làm quen với tin học để củng cố kiến thức của các hoạt động học tập đồng thời tạo tiền đề và kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử là rất cần thiết để từ đó hướng tới mục tiêu trẻ trở thành những công dân toàn cầu ưu tú thích nghi với sự thay đổi của toàn cầu hóa. Vì vậy mà hoạt động cho trẻ làm quen với máy vi tính dần đã là một phần không thể thiếu trong nội dung giảng dạy đối với trẻ ở các trường mầm non chuẩn quốc gia, đặc biệt là các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ I hiện nay.
Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của giáo viên, những bài học với những hình ảnh đẹp mắt, hiệu ứng sinh động, kết hợp âm thanh sống động đã thực sự kích thích trẻ hứng thú tham gia vào họat động khám phá những bài học trên máy tính mang lại hiệu quả cao. Nhưng dạy các con về công nghệ điện tử như thế nào mới đúng? Sử dụng các thiết bị phòng máy tính ở trường mầm non như thế nào sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất? Và khi ở nhà thì trang bị những kỹ năng gì cho trẻ để trẻ vui chơi an toàn, lành mạnh…là điều trường mầm non Hoa Sen luôn quan tâm trăn trở, băn khoăn.
Trước hết là việc lựa chọn nội dung: Nhà trường cài đặt các phần mềm kidsmart, các phần mềm học toán, chữ cái, cập nhật các ứng dụng hiện đại để phát huy hiệu quả của công nghệ số trong chăm sóc giáo dục trẻ MN: Như phần mềm Bé học chữ, Kid connect the Dots, Bé vui học toán (Kid number and Math)…để giúp trẻ tự tin khi tiếp cận công nghệ mới, kĩ năng phát hiện, khám phá, làm việc theo nhóm, kĩ năng phân tích, đánh giá, trình bày ý tưởng của mình và từ đó giúp trẻ vui thích khi đến trường…
Xây dựng kế hoạch: Nhà trường xây dựng kế hoạch nội dung bài học theo phần mềm kidmart là trọng tâm, phân công thời gian hoạt động cho các lớp đối với trẻ khối 5-6 tuổi và khối 4-5 tuổi. Thời gian hoạt động trong một buổi bao gồm cả tạo hứng thú, bài mới, góc ứng dụng, kết thúc không quá 35 phút tùy từng khối, trẻ trực tiếp hoạt động trên máy tính mỗi trẻ không quá 20 phút/ 01 hoạt động.
Lựa chọn, sắp xếp các kiến thức từ dễ đến khó, từ các kiến thức thao tác cơ bản đến các kiến thức kỹ năng khó hơn: Kiến thức về toán, về khám phá xã hội, khám phá khoa học, về chữ cái, về tạo hình…
Sắp xếp bố trí giáo viên: Bồi dưỡng giáo viên có khả năng về tin học để hướng dẫn trẻ học tại phòng vi tính. Có thể bố trí giáo viên hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Khi trẻ mới được tiếp xúc với máy vi tính, giáo viên hướng dẫn trẻ các thao tác đơn giản bằng biện pháp sử dụng lời nói kết hợp làm mẫu
Như vậy việc để trẻ tiếp xúc với máy vi tính, làm quen dần với cách sử dụng máy. Đồng thời qua các trò chơi học tập giúp trẻ phát huy sự sáng tạo, nhanh trí, nhanh tay, sự phối hợp các vận động tinh của trẻ có cơ hội được luyện tập và củng cố một số kiến thức, kỹ năng đã được học trong chương trình giáo dục mầm non.
Việc cho trẻ làm quen với tin học góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non Hoa Sen, từ đó thúc đẩy công tác tuyên truyền trao những giá trị tới phụ huynh và cộng đồng của nhà trường nói riêng và của ngành học mầm non nói chung. Giúp nhà trường thực sự là địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh vì trẻ em được chăm sóc giáo dục một cách khoa học, xuất phát từ lòng đam mê nghề nghiệp của người giáo viên với mục tiêu “Tất cả vì học sinh thân yêu” “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” và “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.